Từ các vụ chuyển nhượng 'đất vàng' trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương xảy ra vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc làm rõ dấu hiệu vi phạm và trách nhiệm của nhiều lãnh đạo tỉnh.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, những sai phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) làm rõ liên quan tới Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (còn gọi là Tổng công ty 3-2, hiện đã cổ phần hóa nhưng vốn thuộc Tỉnh ủy Bình Dương vẫn còn chiếm trên 60%).
Vi phạm liên quan đất đai
Trước hết, sự vào cuộc của các cơ quan trung ương bắt nguồn từ việc chuyển nhượng đất và vốn góp đối với 43ha (dự án khu đô thị Tân Phú) tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, từng do Tổng công ty 3-2 quản lý, nay đã thuộc sở hữu của công ty tư nhân.
Thanh tra tỉnh Bình Dương từng vào cuộc nhưng không ban hành được kết luận thanh tra. Vụ việc sau đó được chuyển sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án, bắt một số bị can. Tới nay, vụ án đã được chuyển về Bộ Công an thụ lý và được đưa vào danh sách các vụ án do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Một vi phạm khác xảy ra tại Tổng công ty 3-2 là việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất 145ha vào Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tân Thành (cạnh khu đất 43ha, cùng thuộc thành phố mới Bình Dương) để kinh doanh sân golf.
Trước đây, Tổng công ty 3-2 liên doanh với hai đối tác Hàn Quốc theo tỉ lệ tổng công ty chiếm 30% vốn, còn lại là đối tác. Tuy nhiên, sau đó hai đối tác Hàn Quốc dù chưa góp đủ vốn nhưng đã rút khỏi liên doanh tại Công ty Tân Thành. Sau một hồi "biến hóa", chuyển nhượng qua lại thì hai cổ đông cuối cùng sở hữu là: Công ty TNHH Phát Triển (chiếm 32% cổ phần) và Công ty cổ phần Hưng Vượng (chiếm 38% cổ phần).
Điều đáng nói, Công ty Phát Triển lại có cổ đông chính và người đại diện pháp luật là con gái của ông Nguyễn Văn Minh (nguyên chủ tịch HĐQT của Tổng công ty 3-2). Việc mua bán cổ phần lòng vòng tại dự án 145ha và có sở hữu của người nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đã xảy ra "lùm xùm", cùng với thời điểm vụ án 43ha được khởi tố, điều tra.
Trách nhiệm thế nào?
Một vi phạm khác liên quan Tổng công ty 3-2 đã từng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra liên quan việc tính tiền sử dụng đất khu dịch vụ tại thành phố mới Bình Dương. Theo Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty 3-2 được giao đất nhiều đợt trong giai đoạn 2012-2013 nhưng nghĩa vụ tài chính lại được chấp thuận theo giá bình quân UBND tỉnh ban hành từ năm 2005, chỉ với 51.914 VNĐ/m2.
Theo kiểm toán, giá tính tiền sử dụng đất phải được tính tại thời điểm có quyết định giao đất, nên đã xác định lại tiền sử dụng đất mà Tổng công ty 3-2 phải nộp tăng thêm là trên 200 tỉ đồng, tiền chậm nộp là trên 208 tỉ đồng (tính tới thời điểm kiểm toán năm 2017).
Về trách nhiệm của các cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong các vụ việc trên, theo các tài liệu công khai về các dự án mà Tuổi Trẻ Online tìm hiểu, có vai trò của cả ba thành viên trong Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020.
Đối với ông Phạm Văn Cành - nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, người có vai trò trực tiếp trong việc cho ý kiến chỉ đạo đối với các hoạt động của Tổng công ty 3-2.
Ông Cành ký nhiều văn bản cho chủ trương của Tỉnh ủy về việc sắp xếp các khu đất của Tổng công ty 3-2, chủ trương cho thoái vốn 30% của tổng công ty tại dự án 43ha (và sau đó lại thu hồi)...
Đối với ông Trần Văn Nam - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương (nhiệm kỳ 2015-2020 và tái cử nhiệm kỳ 2020-2025), ngoài trách nhiệm người đứng đầu Tỉnh ủy, còn chủ trì một số cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về hoạt động của Tổng công ty 3-2. Trong đó, tiêu biểu như cuộc họp giao ban của Thường trực Tỉnh ủy ngày 17-4-2017 "đồng ý chủ trương cho tổng công ty được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú".
Ngoài ra, đối với sai phạm trong tính tiền sử dụng đất đối với Tổng công ty 3-2, ông Nam (khi đó là phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thời điểm ông Lê Thanh Cung là chủ tịch UBND tỉnh) đã ký văn bản 3444/UBND-KTN năm 2012 của UBND tỉnh xác định giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Ông Trần Thanh Liêm - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (đồng thời là phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020) - đã ký một số văn bản như phê duyệt phương án cổ phần hóa, phê duyệt cơ cấu vốn cổ phần lần đầu và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cổ phần hóa Tổng công ty 3-2...
Ngoài các lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nêu trên, một số cán bộ từng giữ các chức vụ tham mưu như lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và một số phòng chuyên môn của hai văn phòng cũng có trách nhiệm liên đới trong việc tham mưu văn bản để trình lãnh đạo ký.
Hướng khắc phục hậu quả
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, liên quan tới một số vi phạm được cơ quan chức năng chỉ ra, hiện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã có báo cáo theo hướng khắc phục thiệt hại, thu hồi tài sản về cho Nhà nước.
Đối với dự án 43ha, hiện nay Công ty Âu Lạc và Tổng công ty 3-2 đã nộp tổng cộng trên 252 tỉ đồng tiền chênh lệch giá chuyển nhượng, phần chênh lệch còn lại thì các doanh nghiệp cam kết sau khi có xác định chính thức của cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục nộp bổ sung. Đối với dự án 145ha, cả ba cổ đông đã có văn bản xin nhượng lại cổ phần cho doanh nghiệp 100% vốn thuộc Tỉnh ủy theo giá gốc sổ sách.
Còn đối với kiến nghị truy thu tiền sử dụng đất khu dịch vụ của Tổng công ty 3-2, vừa qua tổng công ty này đã nộp 200 tỉ đồng tiền chênh lệch theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước, còn phần phạt chậm nộp đang chờ ý kiến tiếp theo của cơ quan có thẩm quyền.
Từ ngày 14 đến 16-6, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ tư. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật:
1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020
2. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021
3. Ông Trần Văn Nam - bí thư Tỉnh ủy
4. Ông Phạm Văn Cành - nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy
5. Ông Trần Thanh Liêm - nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh
6. Ông Nguyễn Thanh Trúc - phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên chánh Văn phòng UBND tỉnh
7. Ông Trần Xuân Lâm - chánh Thanh tra tỉnh, nguyên trưởng phòng kinh tế ngành UBND tỉnh.
* Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Đông - bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một, nguyên chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương.
* Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với hai ông: Võ Văn Lượng (chánh Văn phòng UBND tỉnh, trước đó là phó chánh Văn phòng UBND tỉnh), Ngô Dũng Phương (trưởng Phòng tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy).
* Khai trừ ra khỏi Đảng (các cán bộ này đã bị cơ quan điều tra khởi tố bị can trước đó):
1. Ông Lê Văn Trang, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương
2. Ông Võ Thanh Bình, nguyên phó bí thư Đảng ủy, nguyên phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh
3. Các nguyên lãnh đạo Tổng công ty 3-2, gồm: Nguyễn Văn Minh, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị; Trần Nguyên Vũ, nguyên tổng giám đốc; Huỳnh Công Phát, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên thành viên hội đồng thành viên, nguyên phó tổng giám đốc; Huỳnh Thanh Hải, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, nguyên phó tổng giám đốc; Nguyễn Thế Sự, nguyên trưởng ban kiểm soát Tổng công ty.
Nguồn: tuoitre.vn
0 Nhận xét