Ngoài chuyện tiêm vắc xin chậm, một nghịch lý khác là Bình Dương đã thành lập các bệnh viện dã chiến công suất lớn, nhưng nhiều F0 vẫn bị lưu lại khu cách ly tại các trường học hoặc nhà máy.
Một vài ngày nữa công suất điều trị sẽ tiếp tục tăng lên do việc xây dựng giai đoạn tiếp theo của các bệnh viện dã chiến quy mô lớn hoàn thành. Tiêu biểu như còn bệnh viện dã chiến đặt tại cơ sở của Trường đại học Việt-Đức quy mô 3.000 giường đã đi vào hoạt động, trong ít ngày tới một bệnh viện dã chiến khác tại Bàu Bàng quy mô 3.000-5.000 giường cũng sẽ hoạt động. Nếu ngành y tế không điều phối tích cực hơn nữa thì bệnh viện dã chiến vẫn thừa giường bệnh nhưng F0 lại không có nhiều cơ hội đưa đến điều trị kịp thời.
Đại diện một doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương
Ngày 7-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương thừa nhận có tình trạng chậm đưa F0 ra khỏi nhà máy, khu dân cư... tới các cơ sở điều trị và chậm đưa người đi cách ly.
Tại một số bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện như TP Dĩ An, TP Thuận An lại quá tải ca F0, phải hạn chế nhận bệnh nhân mắc bệnh khác, khiến nhiều người bệnh phải chạy lòng vòng tìm cơ sở y tế để chữa bệnh. Trong khi đó, một số bệnh viện dã chiến đã được thành lập tại Bình Dương vẫn còn trống chỗ, chưa sử dụng hết công suất.
Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Bình Dương có công suất lớn nhất tỉnh với 6.800 giường. Trong đó cơ sở 1 có 1.500 giường đặt tại Trung tâm triển lãm quốc tế thành phố mới đã hoạt động toàn bộ; cơ sở 2 tại KCN Thới Hòa, thị xã Bến Cát có công suất 5.300 giường đã đưa vào hoạt động một phần.
Theo công bố trên website của bệnh viện, tới tối 6-8, cả hai cơ sở của bệnh viện có thể đáp ứng được gần 4.000 giường bệnh nhưng thực tế chưa tới một nửa có bệnh nhân.
Trong khi giường bệnh bị bỏ trống thì vẫn còn nhiều nơi có ca F0 còn lưu lại cơ sở cách ly tập trung (thường được đặt tạm tại các trường học với cơ sở vật chất có hạn) hoặc nhà máy. Nếu so sánh giữa việc F0 ở lại khu cách ly và bệnh viện dã chiến thì rõ ràng vào bệnh viện sẽ tốt hơn về cơ sở vật chất, bác sĩ thăm khám và có hệ thống oxy hỗ trợ ngay nếu bệnh chuyển biến nặng.
Bình Dương hiện có 16 cơ sở điều trị bệnh nhân F0 với năng lực đáp ứng khoảng 17.240 người. Ngoại trừ bệnh viện dã chiến số 1 (do doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng) có website benhviendachien.com cập nhật liên tục số giường bệnh, số bệnh nhân đang điều trị và ra viện thì các cơ sở điều trị còn lại chưa kết nối để công khai số liệu trực tuyến cho người dân biết, dù lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo về việc này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết sẽ cố gắng tăng cường đưa F0 vào các khu điều trị. Trong đó ngoài các cơ sở điều trị theo mô hình "3 tầng" (chia theo: F0 không triệu chứng, F0 có triệu chứng và có bệnh lý nền, F0 diễn biến nặng) thì sắp tới còn lập thêm "tầng trệt" tức là các điểm cách ly tạm cho những trường hợp xét nghiệm nhanh dương tính nhưng đang chờ xét nghiệm khẳng định.
Tỉnh Bình Dương ngày 6-8 đã đưa vào hoạt động Trung tâm thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19 làm đầu mối tiếp nhận thông tin, ra mệnh lệnh và điều phối các lực lượng để xử lý những bức xúc của người dân. Trong đó đặc biệt chú ý phản ảnh về việc các ca dương tính nặng nhưng chưa được đưa vào cơ sở điều trị kịp thời.
Nguồn: tuoitre.vn
0 Nhận xét