Hot Posts

6/recent/ticker-posts

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Các địa phương sẽ tăng tốc, triển khai các gói hỗ trợ trong tháng 8

 Để giúp người dân yên tâm thực hiện giãn cách phòng, chống dịch bệnh Covid-9, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các huyện, thị, thành phố triển khai nhanh các gói hỗ trợ ngay trong tháng 8. Xoay quanh nội dung này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

- Thưa ông, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, đến nay Sở LĐ- TB&XH đã thực hiện các khoản hỗ trợ nào đến người lao động (NLĐ) trên địa bàn?

- Hơn 1 tháng qua, Sở LĐ- TB&XH đã phối hợp với các huyện, thị, thành phố đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 09 của UBND tỉnh; qua đó ưu tiên giải quyết nhanh cho nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Đây là nhóm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng của dịch bệnh.

Cụ thể, tổng số hồ sơ đã chi hỗ trợ là 461.806 hồ sơ, với số tiền là 348,334 tỷ đồng. Riêng đối với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, số đơn vị được giảm mức đóng là 14.364 đơn vị, có 1.012.622 lao động với tổng số tiền là 405,844 tỷ đồng.

Phường Đông Hòa, TP.Dĩ An chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19

Với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, số lượng đối tượng được hỗ trợ là 89.639 người với số tiền giải ngân là 134,539 tỷ đồng (riêng đối với đối tượng bán vé số lưu động cơ bản đã hoàn thành việc chi trả). Các địa phương đang tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ đến với bà con.

- Theo Nghị quyết số 68 có đến 12 nhóm được hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm đối tượng được triển khai chậm, như chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc, chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương... Sở có giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới?

- Với nhóm lao động này, sở đã triển khai hồ sơ, thủ tục đăng ký đến tất cả địa phương, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Khi các DN bị ảnh hưởng dịch bệnh, phải lập hồ sơ công nhân lao động bị ảnh hưởng gửi đến Phòng LĐ- TB&XH các huyện, thị, thành phố. Tuy nhiên, hiện các địa phương nhận rất ít hồ sơ đăng ký.

Nguyên nhân là do các địa phương thuộc “vùng đỏ” có nhiều DN trú đóng và rất nhiều công nhân lao động đang nằm trong các khu phong tỏa, khu cách ly nên khó đăng ký hồ sơ. Một số địa phương không có đủ cán bộ để nhập liệu hồ sơ đăng ký mỗi ngày. Một phần dẫn đến chậm trễ trong nhóm này là thời gian được đăng ký hỗ trợ kéo dài đến hết ngày 31-12, vì thế mà nhiều DN không khẩn trương thực hiện đăng ký ngay.

Để đẩy nhanh tiến độ, Sở LĐ-TB&XH đã soạn mẫu đăng ký qua mạng gửi đến DN và các địa phương. Cách này sẽ nhanh hơn rất nhiều trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sở cũng đang trình UBND tỉnh một số giải pháp khác để giải quyết nhanh hơn, hiện đang chờ UBND tỉnh thông qua. Cái chính là DN phải quan tâm, phối hợp với địa phương để NLĐ được nhận hỗ trợ nhanh nhất có thể.

- Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã có những hỗ trợ khác cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, đó là hỗ trợ 300.000 đồng/người ở trọ, 500.000 đồng/người có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ. Vậy các gói hỗ trợ này lúc nào sẽ đến được tay NLĐ?

- Các gói hỗ trợ này sẽ được triển khai nhanh trong tháng 8, thậm chí kết thúc sớm trong ngày 25-8. Cơ bản, khi triển khai các nhóm hỗ trợ theo Nghị quyết số 68, các địa phương đã lập danh sách những người đang ở trọ, những lao động đang ở trọ có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, các địa phương có thể dựa vào danh sách này để phân nhóm đối tượng, qua đó hỗ trợ nhanh trong tháng 8. Hiện Sở LĐ- TB&XH đang phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát hồ sơ, chi tiền hoặc lương thực cho bà con.

- Được biết, hiện vẫn còn nhiều lao động khó khăn ở các xã, phường đến nay chưa nhận được tiền từ gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, vậy lúc nào NLĐ mới nhận được tiền nay, thưa ông?

- So với các đợt dịch bệnh trước, ảnh hưởng của đợt dịch bệnh thứ 4 này rất lớn, phủ khắp trên 9 huyện, thị, thành phố. Do đó, số lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động không có giao kết hợp đồng tăng gấp nhiều lần so với con số dự kiến lúc đầu. Hơn nữa, một số địa phương đang ảnh hưởng dịch bệnh, có nhiều khu phong tỏa, cách ly, nên khi triển khai gặp không ít khó khăn. Do đó, một số lao động có hoàn cảnh khó khăn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ.

Hiện sở đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố đẩy nhanh hơn nữa trong việc lập và xét duyệt hồ sơ để trong tháng 8 này, tiền đến tay tất cả những lao động có hoàn cảnh khó khăn.

- Thưa ông, để giúp NLĐ có kinh phí, yên tâm thực hiện giãn cách phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Sở LĐ- TB&XH có những đề xuất nào với UBND tỉnh cũng như các cấp có thẩm quyền để chăm lo tốt hơn nữa cho NLĐ?

- Trong thời gian này, sở đang dồn lực, tập trung cho các nhóm hỗ trợ trên để hoàn thành việc chăm lo cho những lao động có hoàn cảnh khó khăn trong tháng 8. Sau đó, tùy vào tình hình dịch bệnh, sở sẽ có những đề xuất tiếp theo để chăm lo cho người trên địa bàn.

- Xin cám ơn ông!

QUANG TÁM (thực hiện)

Nguồn: baobinhduong.vn

Đăng nhận xét

0 Nhận xét