Dịch bệnh đã đẩy hàng triệu người lao động ở Bình Dương vào hoàn cảnh khó khăn. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên do vừa chống dịch vừa thực hiện các chính sách an sinh, cho đến nay vẫn còn những trường hợp sót chính sách hỗ trợ. Tỉnh Bình Dương đang tiếp tục rà soát, chi trả bổ sung.
Cuộc sống của người lao động ở Bình Dương còn nhiều khó khăn. Ảnh: Đinh Trọng
Chi sót số lượng lớn, chi nhầm số lượng nhỏ và đã thu hồi
Ông Lê Minh Quốc Cường - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay, tỉnh đã chi tất cả 2.601 tỉ đồng. Trong đó, gói hỗ trợ Nghị quyết 68 của Chính phủ đã chi 1.493 tỉ đồng cho trên 1 triệu trường hợp, đang tiếp tục thực hiện. Đối với 2 chính sách riêng của tỉnh đã chi hỗ trợ 1,4 triệu người. Hỗ trợ 300.000 đồng tiền thuê trọ theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh đã chi 427 tỉ đồng, hỗ trợ 500.000 tiền ăn theo Quyết định số 12 đã chi 679 tỉ đồng.
Đáng chú ý, 2 chính sách riêng của tỉnh Bình Dương lẽ ra phải thực hiện xong trước ngày 31.8. Tuy nhiên, do còn nhiều phản ánh của người dân và báo chí, ngày 5.10, UBND tỉnh Bình Dương quyết định rà soát lại, nếu sót thì chi bổ sung, nếu chi sai thì thu hồi. Kết quả, phát hiện khoảng 100.000 trường hợp bị sót, tập trung ở thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên. Cho đến nay, Thuận An cơ bản đã hoàn thành chi bổ sung, còn thị xã Tân Uyên đang tiếp tục chi bổ sung. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng trên 23.000 trường hợp khi lập danh sách bị trùng lặp, nhầm đối tượng, tập trung chủ yếu ở thị xã Tân Uyên.
Riêng UBND thị xã Tân Uyên phát hiện có 23.039 trường hợp trùng lặp tên người này với người kia. Sau khi đối chiếu, loại ra thì có 2.044 trường hợp chi nhầm. Toàn bộ số này đã thu hồi nộp ngân sách theo đúng quy định. Còn lại khoảng hơn 20.000 trường hợp trùng lắp thì giữ lại, không chi, tổng hợp lại báo cáo về UBND tỉnh. Về việc chi hỗ trợ, thị xã Tân Uyên đã chi trên 500.000 lượt, hoàn thành 95%, hiện thị xã đang tiếp tục rà soát và chi bổ sung.
Sai số, sót khó tránh
Lý giải để xảy ra việc chi sót hỗ trợ với số lượng lớn ông Lê Minh Quốc Cường cho biết, quá trình triển khai, tỉnh đang thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 16. Thời gian thực hiện lại gấp, lực lượng ít, phân tán, người dân thì ở trong phường “khóa chặt”. Do đó, trong quá trình thực hiện chính sách này cũng có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa chính xác. Bên cạnh đó, số lượng người cần hỗ trợ là rất lớn, cộng với việc triển khai nhiều gói hỗ trợ khác nhau nên việc sai số, sót khó tránh khỏi.
Về phía thành phố Thuận An, đại diện UBND thành phố lý giải, các phường bỏ sót nằm trong khu vực “phong tỏa - khóa chặt”. Thời điểm chi trả lúc cao điểm dịch, cán bộ phường mỏng vừa phải tập trung chống dịch vừa phải phân phát gói hỗ trợ lương thực thực phẩm nên việc giải ngân tiền hỗ trợ bị chậm. Cộng với đó, nhiều cán bộ khu phố mắc COVID-19 khiến việc tổng hợp danh sách bị ùn ứ, sau đó dẫn đến chồng chéo.
Về phía thị xã Tân Uyên, ông Đoàn Hồng Tươi - Chủ tịch UBND thị xã cho biết, khi phát hiện ra việc chi nhầm, địa phương đã thu hồi ngay, không để thất thoát ngân sách Nhà nước. Việc chi sót do số lượng người hỗ trợ rất lớn, việc hỗ trợ thực phẩm được ưu tiên trước để người dân không bị thiếu đói. Việc rà soát chi bổ sung vẫn đang được thực hiện để hỗ trợ người dân.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ, tỉnh đã lập đoàn thanh tra, rồi có cả công an tỉnh cũng đi xác minh làm rõ. Ông Nguyễn Tầm Dương - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, đến thời điểm này chưa phát hiện việc tiêu cực trong thực hiện chính sách an sinh. Nếu phát hiện trường hợp nào “tư túi” tiền hỗ trợ của dân, tỉnh Bình Dương sẽ kiên quyết xử lý.
Người lao động còn nhiều khó khăn
Theo ghi nhận, tại Bình Dương vẫn còn hàng chục nghìn lao động vì nhiều nguyên nhân khác nhau vẫn chưa được trở lại nhà máy làm việc. Trong khi đó, công nhân mới trở lại nhà máy cũng chưa có lương. Vì vậy đời sống của những công nhân lao động xa quê vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi đó phải trang trải tiền trọ, tiền ăn, chi phí cho con cái đi học…
Nguồn: laodong.vn
0 Nhận xét