Hot Posts

6/recent/ticker-posts

Bình Dương trao quyền sản xuất gắn với trách nhiệm phòng dịch cho doanh nghiệp

Theo thông tin từ Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương tại các tỉnh phía nam, Sở Công Thương Bình Dương đã có văn bản chấp thuận việc trao quyền chủ động cho DN tái sản xuất. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đóng vai trò hậu kiểm, bảo đảm DN phục hồi sản xuất nhanh nhất trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần TEKCOM (KCN Nam Tân Uyên mở rộng). Ảnh: Báo Bình Dương

Ngay khi thực hiện trạng thái bình thường mới, Sở Công Thương Bình Dương đã đề nghị các DN xây dựng phương án khôi phục sản xuất trong tình hình mới và triển khai ngay việc mở cửa khi bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định. Bình Dương sẽ trao quyền chủ động cho DN tái hoạt động và thực hiện công tác hậu kiểm. Sở Công Thương Bình Dương đã có văn bản hướng dẫn chấp thuận về việc trao quyền chủ động cho DN tái hoạt động. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thực hiện công tác hậu kiểm.

Tại Bình Dương, các DN trong cụm công nghiệp đã hoạt động lại 100%, tuy nhiên công suất chỉ mới đạt 44% so với trước khi có dịch. Hầu hết các DN đang quan tâm đến thủ tục để trở lại sản xuất kinh doanh, quy trình xét nghiệm trong quá trình sản xuất, phương thức hoạt động theo mô hình “3 xanh” và vấn đề tiêm phủ vaccine cho toàn bộ công nhân.

Hiện, tỉnh đã cho phép DN tự xét nghiệm và tự cấp giấy xác nhận để người lao động đi lại.

Về việc tự thực hiện xét nghiệm cho công nhân, Bình Dương đã giới thiệu cho các DN tiếp cận nguồn mua kit test COVID-19 chất lượng với giá hợp lý. DN được phép xét nghiệm gộp 3 đến 5 mẫu để giảm bớt chi phí. Thời hạn sử dụng kết quả xét nghiệm tới 7 ngày. Người lao động ở Bình Dương đã được tiêm vaccine mũi 1 và dự kiến trong tháng 10 toàn bộ người lao động sẽ được tiêm mũi 2.

Theo đánh giá của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương tại các tỉnh phía nam, trong thời gian tới những DN chỉ hoạt động trên địa bàn tỉnh và có chuỗi cung ứng nằm hoàn toàn trong tỉnh có thể hoạt động trở lại và phục hồi nhanh, kịp phục vụ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, số DN này rất ít. Còn những DN có thị trường trên cả nước và làm xuất khẩu, thì việc cung ứng cũng như kinh doanh sẽ phụ thuộc vào việc mở cửa của địa phương khác, nhất là TPHCM. Do đó, nếu không có sự đồng bộ giữa các địa phương trong việc mở cửa, thì các DN khó có thể phục hồi nhanh.

Bên cạnh khôi phục sản xuất, tỉnh Bình Dương có 28/97 chợ truyền thống đủ điều kiện hoạt động, 11/11 siêu thị và 219/221 cửa hàng tiện lợi hoạt động, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Tính đến ngày 12/10, có thêm 11 chợ xây dựng phương án đăng ký hoạt động trở lại.

Các huyện, thị xã, thành phố vẫn duy trì các điểm bán hàng bình ổn thị trường cố định và lưu động, cửa hàng 0 đồng, chợ ngoài trời… phục vụ người dân trong thời gian các chợ truyền thống chưa hoạt động. Hàng hóa bảo đảm cung ứng đủ cho người dân và các DN thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Giá các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm ổn định, hàng hóa không khan hiếm, không tăng giá.

* Tại TPHCM, hiện nay đã có 42 chợ truyền thống (tăng 5 chợ so với ngày 10/10) chính thức hoạt động. Các chợ truyền thống khác mặc dù chưa chính thức được hoạt động, nhưng vẫn có nhiều quầy, sạp bán các loại rau, củ, quả, thịt... phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, bảo đảm phòng, chống dịch. Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động, với 106/106 siêu thị và 2.906 cửa hàng tiện lợi (có thêm 5 cửa hàng hoạt động trở lại so với ngày 10/10).

Điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối (Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền) tiếp tục hoạt động ổn định, duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm cho các hệ thống phân phối tại TPHCM và các tỉnh, trung bình từ 1.000-1.200 tấn thực phẩm, rau củ quả/đêm.

*Tỉnh Vĩnh Long, mặc dù đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 19, nhưng hệ thống cung ứng hàng hóa vẫn hoạt động ổn định, với 114 chợ đang hoạt động (1 chợ tạm ngưng do tiểu thương nghỉ để phòng dịch), 2 siêu thị và 50 cửa hàng tiện lợi, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu. Tại một số địa bàn đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vẫn duy trì hoạt động các tổ đi chợ thay.

Nguồn: baochinhphu.vn

Đăng nhận xét

0 Nhận xét