Hot Posts

6/recent/ticker-posts

Chủ tịch tỉnh Bình Dương: Nhà máy bắt đầu mở cửa, bà con nên ở lại

  Trước việc hàng ngàn người dân tự ý đi xe máy về quê bị chặn lại tại các cửa ngõ, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã kêu gọi bà con ở lại khi tỉnh bắt đầu nới lỏng giãn cách và từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch tỉnh Bình Dương: Nhà máy bắt đầu mở cửa, bà con nên ở lại - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh - Ảnh: B.SƠN

Ngày 2-10, còn hàng chục bà con các tỉnh miền Tây (chủ yếu quê Cà Mau, An Giang...) tự đi xe máy chờ tại chốt kiểm soát trên quốc lộ 13 (ngã tư Địa Chất), thuộc thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, với hy vọng được về quê.

Từ đêm trước đó, hàng trăm người dân tự đi xe máy về quê bị chặn lại tại chốt kiểm soát. Sau nhiều giờ không được cho qua và được lực lượng chức năng thuyết phục thì hầu hết người dân đã lần lượt "quay xe" nhưng vẫn còn nhiều người nán lại. 

Ở các cửa ngõ khác tại thị xã Bến Cát, Tân Uyên, thành phố Thuận An, Dĩ An... những ngày qua công an cũng đã chặn hàng ngàn người tự ý đi xe máy về quê.

Trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ Online, ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết tới nay, tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Bình Dương đã được cải thiện tốt hơn, hầu hết các xã, phường đã trở lại "vùng xanh". 

Từ ngày 1-10, UBND tỉnh đã có văn bản thực hiện việc kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, trong đó có nhiều "nới lỏng" để doanh nghiệp và người dân trở lại hoạt động.

Bình Dương mong muốn người lao động bình tĩnh, không tự ý đi xe máy về quê. Đối với những bà con khó khăn, có lý do chính đáng (phụ nữ mang thai, trẻ em...) thì cần đăng ký với chính quyền để được các tỉnh phối hợp có phương án đưa đón, không làm lây lan dịch bệnh.

* Người lao động cho biết do giãn cách kéo dài, phải ngưng việc, nếu họ ở lại sẽ tiếp tục gặp khó khăn?

- Chúng tôi rất đồng cảm với những khó khăn và sự đồng hành của bà con trong thời gian qua. Cơ quan chức năng Bình Dương cũng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho công nhân, người lao động khó khăn ở trọ. Ngoài các chính sách chung theo quy định của trung ương, tỉnh cũng đã chi hỗ trợ một phần tiền phòng trọ, hỗ trợ lương thực cho hàng triệu lượt người... 

Các chủ nhà trọ cũng được vận động giảm tiền phòng trọ, sự tham gia hỗ trợ của các lực lượng tình nguyện... Những biện pháp hỗ trợ này tuy không đáp ứng được tất cả nhưng cũng phần nào giúp bà con vơi bớt khó khăn, cảm nhận được tình cảm, sự sẻ chia của Bình Dương với bà con.

Hiện nay, giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi, các nhà máy bắt đầu được đăng ký hoạt động trở lại nên nhu cầu về việc làm, thu nhập của người lao động cũng được tháo gỡ.

Từ ngày 1-10, Bình Dương có những quy định mở cho người lao động: người lao động đủ điều kiện lưu thông (đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng) được phép di chuyển tới các địa điểm làm việc và trở lại nơi ở, thay vì phải thực hiện "ba tại chỗ" (làm việc, ăn ngủ tại nhà máy) như trước đây.

Đối với 3/9 địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp hơn các nơi khác trong địa bàn tỉnh là Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên thì người lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày được phép đi lại làm việc trong khu vực. Nếu ai đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc là F0 khỏi bệnh thì được đi tới làm việc tại các địa điểm trong địa bàn toàn tỉnh...

Chủ tịch tỉnh Bình Dương: Nhà máy bắt đầu mở cửa, bà con nên ở lại - Ảnh 2.

Nhiều người quê miền Tây tự đi xe máy về quê, đội mưa chờ được "thông chốt" trên quốc lộ 13 từ đêm 1-10 tới sáng 2-10 - Ảnh: B.SƠN

* Tình hình hoạt động trở lại của các nhà máy như thế nào vì người lao động lo ngại tiếp tục ở lại vẫn không có việc làm?

- Một tín hiệu vui là sau khi có những quy định nới lỏng thì số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại rất cao và có nhu cầu lao động lớn. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn người lao động ở lại, vừa có việc làm để có thu nhập lo cho bản thân và gia đình, góp phần để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh cho quê hương...

Các doanh nghiệp cũng đã được trao quyền tự chủ nhiều hơn. Theo đó, doanh nghiệp được tự tổ chức mua kit test, tự tổ chức test và cấp giấy chứng nhận cho người lao động để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông. Như vậy, so với trước đây, việc test và cấp giấy chứng nhận phải thông qua cơ sở y tế thì nay doanh nghiệp có thể tự làm và tự chịu trách nhiệm.

Hiện nay Bình Dương đã được phân bổ vắc xin nhiều hơn, đã tiêm được 2,2 triệu liều. Hầu hết người dân trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin (tính tới ngày 1-10). Hiện còn hàng trăm ngàn liều vắc xin tỉnh mới nhận để tiêm mũi 2 cho người dân, trong đó sẽ ưu tiên tiêm cho người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp để bà con an tâm sản xuất.

Nguồn: tuoitre.vn

Đăng nhận xét

0 Nhận xét