Hot Posts

6/recent/ticker-posts

NLĐ bị trừ thẳng phí xét nghiệm PCR vào lương: Công an sẽ vào cuộc

Tại Bình Dương, những ngày qua xôn xao trên mạng thông tin người lao động bị trừ thẳng tiền xét nghiệm PCR vào lương. Đây là câu chuyện có nhiều vấn đề cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Qua sự việc này cũng phần nào cho thấy, doanh nghiệp và người lao động đã và đang phải chịu rất nhiều gánh nặng từ chi phí xét nghiệm COVID-19 để có thể tổ chức sản xuất.

Lực lượng chức năng hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho người lao động ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Công an sẽ làm rõ vụ trừ tiền xét nghiệm PCR giá cao vào lương

Thông tin trừ tiền xét nghiệm PCR giá cao vào lương công nhân xôn xao trên mạng liên quan đến Công Ty TNHH Uchiyama Việt Nam - KCN VSIP I, phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Theo phản ánh của một số công nhân, cuối tháng 11.2021, nhiều người test nhanh phát hiện bị dương tính với COVID-19. Sau đó, công ty yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm PCR của một đơn vị y tế tư nhân ở bên ngoài và cho biết chi phí xét nghiệm sẽ được trừ vào tiền lương. Đến ngày 10.12, khi nhận lương, công nhân tá hỏa thấy bị trừ một khoản tiền lớn.

Có người bị trừ 1,9 triệu đồng (tương đương với 1 lần lấy mẫu xét nghiệm PCR), có người bị trừ 4,5 triệu đồng (3 lần xét nghiệm PCR). Theo danh sách, có 57 lao động bị trừ tổng số 152,9 triệu đồng. Việc trừ tiền xét nghiệm với giá quá cao khiến phần lương của công nhân bị “teo tóp”. Có người làm nửa tháng, lương được 6 triệu nhưng bị trừ chỉ còn gần 2 triệu đồng, đủ đóng tiền trọ.

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên Báo Lao Động đã trao đổi với bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp VSIP. Bà Chi cho biết, thông tin trên liên quan đến Công Ty TNHH Uchiyama Việt Nam. Công đoàn khu công nghiệp VSIP đã đề nghị công đoàn cơ sở công ty làm việc với ban giám đốc của công ty để làm rõ các thông tin liên quan để bảo vệ quyền lợi của công nhân cũng như doanh nghiệp.

Trong ngày 13.12, công an cùng Ban Quản lý khu công nghiệp sẽ đến công ty để làm rõ các vấn đề. Việc bên thứ ba vào cuộc nhằm khách quan làm rõ các vấn đề có hay không thông tin công ty trừ thẳng tiền xét nghiệm PCR vào lương công nhân. Những ai có trách nhiệm liên quan đến thông vụ việc này? Có việc áp đặt công nhân xét nghiệm ở đơn vị cơ sở y tế tư nhân giá cao không?... Sau khi có kết quả làm việc, sẽ thông tin cho công nhân và dư luận được rõ.

Gánh nặng phí xét nghiệm đè lên vai doanh nghiệp và NLĐ

Trong khi câu chuyện trên đang được làm rõ thì thời gian qua doanh nghiệp và người lao động ở Bình Dương gặp rất nhiều khó khăn khi phải bỏ chi phí rất lớn để duy trì sản xuất. Từ tháng 6-10.2021, các doanh nghiệp phải thuê cơ sở y tế test nhanh COVID-19 cho công nhân trước khi vào nhà máy làm việc. Ngoài ra, định kỳ phải xét nghiệm tầm soát COVID-19 trong công nhân lao động. Doanh nghiệp phải thuê cơ sở y tế bên ngoài xét nghiệm với giá từ 250.000-400.000 đồng/mẫu. Một doanh nghiệp ở KCN VSIP (TP.Thuận An, Bình Dương) tổ chức theo phương án “1 cung đường 2 điểm đến”, kinh phí phòng chống dịch để sản xuất đội lên gấp 4 lần, chỉ 3 tháng tốn 2 triệu USD (trên 40 tỉ đồng).

Trong khi đó, ở những công ty không đủ tài chính hỗ trợ, người lao động cũng phải bỏ tiền túi để đi xét nghiệm bên ngoài trước khi vào nhà máy. Phí 1 lần test nhanh tương đương với một ngày lương công nhân, trong khi đời sống còn nhiều khó khăn.

Bước qua tháng 11-12.2021, tỉnh Bình Dương đã nới lỏng các quy định về xét nghiệm, như cho doanh nghiệp tự tổ chức test nhanh cho người lao động. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải chi tiền mua sinh phẩm và vật liệu y tế. Bên cạnh đó, hiện nay đa số công nhân đã tiêm vaccine nên test nhanh rất khó phát hiện virus, đa số các doanh nghiệp phải sử dụng phương pháp xét nghiệm PCR với chi phí cao hơn test nhanh.

Vì vậy đã có trường hợp doanh nghiệp không còn đủ chi phí để hỗ trợ công nhân xét nghiệm COVID-19. Có những công ty đã yêu cầu người lao động phải chịu phí xét nghiệm. Tuy nhiên tiền xét nghiệm đã ăn thẳng vào đồng lương ít ỏi của người lao động khiến đời sống về cuối năm càng khó khăn hơn. Anh Nguyễn Văn Công (30 tuổi, công nhân KCN VSIP I, TP.Thuận An) chia sẻ: “Ngày 24.11 tôi test nhanh phát hiện nghi mắc COVID-19, sau đó kết quả PCR cũng khẳng định bị lây nhiễm. Tôi phải ở nhà điều trị và cách lý 14 ngày. Tháng lương 11 tôi chỉ được 6 triệu nhưng mất 3,4 triệu tiền xét nghiệm và 1 triệu tiền thuốc. Lĩnh lương xong tôi chỉ còn 1,6 triệu đồng để đóng tiền thuê phòng trọ”.

Quy định áp dụng đúng giá xét nghiệm

Liên quan đến sự việc trên, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua đã tổ chức tiếp xúc và tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó có việc xét nghiệm COVID-19, tỉnh đã cho phép doanh nghiệp tự tổ chức test nhanh COVID-19 cho người lao động để giảm chi phí và chủ động hơn trong sản xuất. Bên cạnh đó, UBND Bình Dương cũng yêu cầu Sở Y tế công khai giá xét nghiệm của các cơ sở y tế đủ điều kiện để doanh nghiệp lựa chọn. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết đã đề nghị các cơ sở y tế nghiêm túc triển khai thực hiện đúng theo nội dung Thông tư số 16 của Bộ Y tế. Mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế có mức thanh toán tối đa không quá 518.400 đồng/mẫu.

Doanh nghiệp trừ tiền xét nghiệm PRC vào lương: Tạo ra tiền lệ không tốt trong quan hệ lao động

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về thông tin một doanh nghiệp tại Bình Dương trừ tiền xét nghiệm PCR giá cao vào lương người lao động, ông Lê Đình Quảng - Phó ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, đây là một hình ảnh không đẹp, một sự việc đáng tiếc, không phù hợp trong xu thế chung người lao động và người sử dụng lao động cùng nỗ lực, đồng hành để vượt qua đại dịch thời gian vừa qua.

Theo ông Quảng, trong bối cảnh khó khăn thì người lao động và người sử dụng đều cùng phải chia sẻ, đồng hành. “Trong khó khăn, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải tạo mọi điều kiện để thu hút và giữ chân người lao động; cũng như đảm bảo các điều kiện cho người lao động tham gia sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp” - ông Quảng nói.

Ông Quảng cho biết thêm, theo thông tin trên báo chí, khi sản xuất “3 tại chỗ”, người sử dụng lao động đã chi trả tiền xét nghiệm cho người lao động, thì khi không sản xuất “3 tại chỗ” nữa, thì tiền xét nghiệm vẫn là do doanh nghiệp chịu. “Về nguyên tắc, tất cả các chi phí đảm bảo cho sản xuất kinh doanh thì người sử dụng lao động phải chịu để đảm bảo cho người lao động” - ông Quảng lý giải.

Ông Quảng cũng cho rằng, giả sử trong trường hợp người sử dụng lao động khó khăn, phải chuyển khoản chi phí xét nghiệm cho người lao động chịu thì cũng phải trao đổi, công khai với người lao động để họ biết, nhất là trước đó, trong quá trình sản xuất “3 tại chỗ”, người sử dụng lao động đã chịu khoản chi phí này.

“Trong bối cảnh khó khăn, đáng lẽ phải tìm nơi nào thuận lợi nhất, rẻ nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động để xét nghiệm, thì nếu ấn định, buộc phải xét nghiệm ở nơi giá rất cao thì đây cũng là một điều không tốt” - ông Quảng nêu ý kiến.

Đối với thông tin người lao động bị trừ tiền xét nghiệm PCR vào lương, ông Quảng bình luận, nếu doanh nghiệp không thông báo, bàn bạc, trao đổi công khai, thoả thuận trước với người lao động thì là sai, tạo ra một điều không tốt trong quan hệ lao động, khó mà động viên người lao động gắn bó lâu dài, đồng hành với doanh nghiệp.

Bảo Hân (ghi)

Nguồn: laodong.vn

Đăng nhận xét

0 Nhận xét