Hot Posts

6/recent/ticker-posts

Chỉ 8,7% công nhân ở Bình Dương có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng

Bình Dương là tỉnh phát triển kinh tế, thu nhập bình quân trên đầu người năm 2021 đạt 152,2 triệu đồng/người/năm - nằm trong tốp những tỉnh thành phố có thu nhập bình quân cao nhất cả nước. Tuy nhiên thu nhập thực tế của người lao động thấp hơn nhiều, cuộc sống của người lao động nhập cư còn nhiều khó khăn, bấp bênh.

Vấn đề người lao động quan tâm nhất hiện nay là thu nhập.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị vừa thực hiện khảo sát tình hình đời sống và những khó khăn của 2.100 công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.

Liên đoàn Lao động đã thực hiện bằng việc thu thập thông tin dưới dạng phiếu khảo sát trực tuyến, sử dụng bảng câu hỏi mang tính định lượng, các thông tin được xử lý thành các biểu đồ mô tả và được tính theo tỷ lệ %.

Thu nhập còn thấp

Trong số lao động được khảo sát, có 77,4% người lao động có thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, trong đó từ 5 triệu – 7 triệu đồng/tháng là 40,5%. Từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/tháng là 36,9%. Số còn lại mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng là 13,9%, chỉ số ít (8,7%) công nhân lao động có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.

Ghi nhận thực tế, thu nhập từ lương 8 giờ làm việc hằng ngày chỉ dưới 7 triệu đồng/tháng, để có thu nhập từ 8-9 triệu đồng/tháng, người lao động phải tăng ca từ 2-4 giờ mỗi ngày.

Về khả năng tích lũy của người lao động, có đến 42,1% công nhân không đủ trang trải, 52,5% công nhân vừa đủ trang trải chi tiêu hằng tháng. Chỉ có 5% công nhân lao động tích lũy được 1 phần và 0,4% công nhân lao động có tích lũy.

Về tác động của dịch bệnh COVID-19, qua khảo sát cho thấy, đa số công nhân lao động bị tác động nặng nề trên tất cả các mặt đời sống, nặng nề nhất là về sức khỏe. Cụ thể, có đến 70,3% công nhân lao động bị giảm sút về sức khỏe, 53,6% công nhân bị giảm thu nhập, 18,5% công nhân bị mất việc làm trong thời gian dài.

Có trên 90% người lao động cho biết, khó khăn nhất hiện nay của họ chủ yếu là về thu nhập. Người lao động cho rằng hiện nay lương thấp, công việc thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không ổn định dẫn đến giảm sâu về thu nhập.

Số tiền làm ra, không đủ trang trải cuộc sống, phải nuôi con nhỏ, phụng dưỡng mẹ già… . Trong khi giá cả các mặt hàng tăng cao nhưng lương chưa tăng, dẫn đến lo lắng với mức thu nhập và chi phí như hiện nay sẽ không bám trụ lại được ở Bình Dương mà phải trở về quê hương.

Bên cạnh đó, việc giá đất ở đô thị tăng chóng mặt dẫn đến việc người lao động không có khả năng sở hữu đất để an cư lạc nghiệp.

Lo lắng học phí của con cái sẽ tăng cao làm tăng áp lực cuộc sống

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã đăng tải dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên là 300 nghìn đồng/người/tháng đối với học sinh ở thành thị; học sinh nông thôn là 100 nghìn đồng/người/tháng.

Trước thông tin trên, nhiều gia đình công nhân lao động ở Bình Dương bày tỏ sự lo lắng, chi phí và áp lực cuộc sống tiếp tục tăng. Hiện đang đóng học phí ở mức 60-80.000 đồng/người/tháng. Khi nghị quyết được thông qua, năm 2022-2023 học phí tăng gần gấp 3 đến 4 lần.

Anh Bùi Văn Biện (34 tuổi, ngụ Bến Cát, Bình Dương) cho biết gia đình có 2 con năm tới sẽ vào lớp 2 và lớp 4. "Hiện học phí của các cháu rất thấp, nếu năm tới tăng lên 300.000/người/tháng thì sẽ rất cao với những gia đình có công nhân lao động ở trọ có 2 con như chúng tôi. Thu nhập 2 năm qua bấp bênh, hiện nay nhiều mặt hàng tăng, nếu học phí tăng nữa thì tiếp tục là gánh nặng đối với người lao động xa quê" - anh Biện bày tỏ.

Theo: Lao Động
Nguồn: https://laodong.vn/ldld-binh-duong/chi-87-cong-nhan-o-binh-duong-co-muc-thu-nhap-tren-10-trieu-dongthang-1051301.ldo

Đăng nhận xét

0 Nhận xét